Trung Nam Group tổ chức Lễ phát động chiến dịch thi đua 102 ngày đêm tại Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW (Ninh Thuận).
Chiều tối 15/5, tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, Trung Nam Group tổ chức Lễ phát động chiến dịch thi đua 102 ngày đêm dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW kết hợp trạm biến áp 220/500kV và đường dây 500kV, 220kV. Dự án này là bước hiện thực đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia, đóng góp quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây còn là dấu mốc lịch sử ngành năng lượng Việt Nam khi doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng.
Dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 450MW, kết hợp trạm biến áp 220/500kV Trung Nam – Thuận Nam và đường dây 500kV, 220kV là một dự án cấp thiết chiến lược phục vụ phát triển hệ thống truyền tải điện của tỉnh Ninh Thuận nói riêng, khu vực Duyên hải miền Trung nói chung và xa hơn là toàn bộ hạ tầng truyền tải điện Quốc gia.
Dự án được Trung Nam Group triển khai với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng; quy mô thực hiện gồm Nhà máy điện mặt trời 450MW, kết hợp với trạm biến áp 220/500kV và hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận có tiềm năng phát triển rất lớn về điện gió và điện mặt trời với ước tính có thể phát triển đến 10.000 MW…Và dự án này góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia; quán triệt Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tư nhân tham gia phát triển nguồn và xây dựng hạ tầng truyền tải. Hiện toàn tỉnh đã đưa vào vận hành 1.600 MW điện mặt trời và 150 MW điện gió đưa vào khai thác thương mại và mục tiêu đến cuối năm 2020 đạt 2.000 MW điện mặt trời.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn hiện nay là vấn đề giải toả công suất khi các nhà máy đưa vào vận hành khai thác, đấu nối vào đường dây 110 kV giảm công suất từ 60 – 90%. UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết.
“Dự án có vai trò quyết định trong việc từng bước đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Trong điều kiện hiện nay nguồn năng lượng quốc gia có vai trò hết sức quan trọng và đối với Ninh Thuận dự án này góp phần hết sức quan trọng và đối với Ninh Thuận, dự án này còn góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH của tỉnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để cùng với nhà đầu tư hoàn thành dự án đúng theo tiến độ cam kết” – ông Lưu Xuân Vĩnh nói./.